Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Lai lịch một vùng đất


     “Con người bao giờ cũng là sản phẩm của một tự nhiên và một lịch sử nhất định, được môi trường tự nhiên và lịch sử cụ thể đó nhào nặn nên, mặt khác, chính con người cũng nhào nặn cái tự nhiên đó vì mình, và làm ra lịch sử của chính mình” (Nguyên Ngọc). Đối với con người trên vùng đất Quảng Nam – một vùng đất thật sự có một “vị trí tự nhiên độc đáo” và “một số phận đặc biệt “ trong lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc – cũng vậy …

     Danh xưng Quảng Nam ra đời và tồn tại cho đến cuối thiên niên kỷ thứ hai là 528 năm (1472 – 2000) và trải qua nhiều đổi thay về tên gọi đơn vị hành chính và về địa giới, đã diễn ra không ít lần tách ra, nhập vào, rồi lại tách ra, nhập vào … Người khai sáng ra danh xưng này là vị vua thông minh và yêu nước, được xếp hàng bậc nhất trong các triều đại vua chúa Việt Nam: Lê Thánh Tông.
      Hai tiếng Quảng Nam hàm chứa một ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc. Quảng có nghĩa là mở rộng; Nam là hướng Nam, đi về phương Nam: một lựa chọn có tính chiến lược, quyết định vận mệnh sống còn của quốc gia Đại Việt vốn có vị trí địa lý đặc trưng một bên là núi non hiểm trở, cao ngất, một bên là biển rộng mênh mông, lại luôn chịu áp lực bành trướng mạnh mẽ của một láng giềng khổng lồ từ phương bắc.
      Trong dòng lịch sử phát triển của đất nước, Quảng Nam trong thực tế đã có vai trò và vị trí rất đáng tự hào trong sự nghiệp mở nước. Đó là vai trò phên dậu ở chốn đầu sóng ngọn gió, nơi tiếp nhận và nhào nặn lại các luồng văn hóa để làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc, là nguồn cung cấp nhân tài vật lực, trạm trung chuyển và là bàn đạp vững chắc cho công cuộc Nam tiến của dân tộc.
      Từ thế kỷ XV, trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã gọi đất này là “Tiên nữ Phú hà duy Nam giới” và xếp vào loại “phên dậu thứ năm” của Đại Việt.
      Năm 1613, hai năm sau khi bình định đất Phú Yên, chính thức nhập vào dinh Quảng Nam, Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung đã vời các thân thần và người con trai thứ sáu mà ông chọn để kế nghiệp đến bên giường bệnh, tha thiết dặn rằng: “Đây là đất yết hầu của miền Thuận, Quảng”, là “đất dụng võ của kẻ anh hùng” bởi nó hội đủ những điều kiện cho thế công cũng như thế thủ; nếu biết “dạy dân, luyện binh” thì có thể “xây dựng sự nghiệp cho muôn đời”.
       Không chỉ dưới thời nhà Lê, đất Quảng Nam được coi như là miền biên viễn, đất “trọng trấn”, mà cả dưới thời Nguyễn, khi đất nước đã liền một dải từ Lạng Sơn đến Cà Mau, ý nghĩa chiến lược của vị trí Quảng Nam không hề giảm đi mà có phần còn tăng lên. Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi vua, đã đặt Quảng Nam thành “dinh trực lệ, thuộc Kinh sư”, gọi đó là “quận chân tay” – có nghĩa là đất tiền đồn của kinh đô Phú Xuân.
       Tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, ngoài việc nhấn mạnh đất này “vốn là một khu có nhiều của cải”, còn gọi “Quảng Nam là một thắng địa của biển và núi”.
       Bước sang thời kỳ cận đại, vị trí của Xứ Quảng đối với vận mệnh chung của đất nước vẫn nổi bật: sáng ngày 1-9-1858, những phát đại bác đầu tiên của liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã nổ vào pháo đài phòng hải của ta tại cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược đầu tiên của một đế quốc phương Tây vào Việt Nam. Rồi 106 năm sau, cũng tại nơi của ngõ này, ngày 8-3-1965, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ồ ạt đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều, và tiếp theo đó là sư đoàn lính thủy đánh bộ số Một được đưa vào chiếm đóng Quảng Nam, mở đầu cuộc xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ đối với miền Nam Việt Nam kéo dài hơn 10 năm (1965-1975).
       Một điều không thể không lưu ý khi đề cập đến lịch sử Quảng Nam là cần phân biệt danh xưng này ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau: Giai đoạn đầu, từ thời Lê Thánh Tông (1472) cho đến khi Gia Long cải tổ các khu vực hành chính trong cả nước (1803), kéo dài 331 năm. Tên gọi lúc đầu là Thừa Tuyên Quảng Nam, sau đổi thành Xứ Quảng Nam (1490), rồi Trấn Quảng Nam (1509), lại đổi sang Doanh Quảng Nam (1602), rồi lại đổi thành Trấn … Dù mang tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, nhưng khái niệm đất Quảng Nam thời kỳ này bao gồm đất của ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn cho đến đèo Cù Mông. Rồi sau đó, dưới thời Nguyễn Hoàng, doanh Quảng Nam lại thêm phủ Điện Bàn (trước đó vốn thuộc Thuận Hóa) ở phía bắc, và phủ Phú Yên ở phía nam. Giai đoạn thứ hai bắt đầu với Dinh Quảng Nam (1808) dưới thời Gia Long, rồi đổi thành Tỉnh Quảng Nam (1832) dưới thời Minh Mạng, địa giới không thay đổi cho đến ngày nay, tức gồm từ đèo Hải Vân cho đến Dốc Sõi.
 (theo Tìm hiểu con người Xứ Quảng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét