Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Quảng Nam Xưa Và Nay

Ths Nguyễn  Văn Tuân
Quảng Nam, xưa là đất Việt thường thị; đời Tần thuộc Tượng Quận (214 - 205 trước DL); đời Hán thuộc Tượng Lâm (206 trước DL đến 192 sau DL); thuộc Chiêm Thành từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV.
 Lộ Thăng Hoa (đất Chiêm Động) năm 1402 do Hồ Quý Ly lập.
Chính thức thuộc bản đồ Đại Việt vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông (sau trận Đồ Bàn) đã dùng người Chăm trông coi vùng đất này và đặt tên là Quảng Nam thừa tuyên, chia làm 3 phủ Thăng Hoa (Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Bình Định).

Đời vua Lê Tương Dực (1510-1516), Quảng Nam thừa tuyên đổi thành trấn Quảng Nam.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng lập dinh trấn tại xã Cần Húc huyện Duy Xuyên (nay là thôn Thanh Chiêm huyện Điện Bàn).
Năm 1604, tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng làm phủ Điện Bàn và nhập về xứ Quảng Nam và quản lãnh 4 huyện và 1 châu: 4 huyện là Tân Phúc, An Nông, Phúc Châu, Hòa Vinh (Vang) và 1 châu là Diên Khánh; đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Nghĩa, huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hi Giang làm huyện Duy Xuyên.
Theo Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc năm 1553, thì vào thời bấy giờ huyện Điện Bàn (bao gồm đất Đại Lộc ngày nay, vì thuở đó huyện Đại Lộc chưa ra đời) gồm có 66 xã; trong đó có một số tên xã về sau này thuộc Đại Lộc như: Phiếm Ái (nay thuộc xã Đại Nghĩa), Gia Cốc (nay thuộc xã Đại Minh), Quảng Huế (nay thuộc xã Đại Hòa)... (Ô châu cận lục,  Quyển 3, Môn Bản đồ, Nxb Thuận Hóa, 2001, tr. 65 – 67).
Như vậy Quảng Nam dinh lúc bấy giờ gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn (Theo Việt sử xứ Đàng trong của Phan Khoang, tr.116).
(Năm 1611 huyện Hòa Vang đã hình thành với 3 tổng Lệ Sơn, Hà Khúc và Lỗ Giáng trong phủ Điện Bàn; huyện An Nông cũng ra đời vào thời kỳ này, gồm 2 tổng là An Sơn và Phiếm Ái).
Tổng Phiếm Ái gồm 14 xã, 4 phường , 5 thôn và 1 man, theo Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục vào năm 1775, như sau: Phiếm Ái, Giáo Ái, Thạch Bộ, Quảng Đại, Ái Nghĩa Đông, Ái Nghĩa Nam, Ái Nghĩa Trung, Ái Nghĩa Tây, Đại Thành, An Phú, Đông Phúc, Bàng Thạch, Giáo Phường, Trường Sinh, Phú Hương, Giáo Mỹ, Liễu Cốc, Phú Thuận Tây, Ái Mỹ Bình An, Mỹ Lộc Bình An, Mỹ Lộc, Phú Thuận Đông, Ô Kha, Bào Man, Đại Lợi.
Danh xưng Quảng Nam ra đời từ năm 1472 và trải qua nhiều đổi thay về tên gọi và địa giới, đã không ít lần tách ra, nhập vào… Người khai sáng ra danh xưng này là vị Vua thông minh và yêu nước- Lê Thánh Tông.
Có  hai giai đoạn lịch sử khác khau:
1. Giai đoạn đầu: từ thời Lê Thánh Tông (1471) cho đến khi Vua Gia Long cải tổ các khu vực hành chính trong cả nước (1806). Tên gọi lúc đầu là  Thừa tuyên Quảng Nam,  rồi  sau  đổi  thành  Xứ Quảng Nam (1490), Trấn Quảng Nam (1509), Doanh Quảng Nam (1602)…Dù mang tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, nhưng khái niệm đất Quảng Nam thời kỳ này bao gồm đất của ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hòa Nhơn, trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn cho đến đèo Cu Mông. Rồi sau đó (1604), dưới thời Nguyễn Hoàng, doanh Quảng Nam lại thêm phủ Điện Bàn ( vốn thuộc Thuận Hóa ) và phủ Phú Yên.
2. Giai đoạn thứ hai: Bắt đầu với Dinh Quảng Nam (1808) dưới thời Gia Long, rồi đổi thành tỉnh Quảng Nam (1832) dưới thời Minh Mạng, địa giới không thay đổi cho đến ngày nay.
(Nguồn : Tìm hiều con người xứ  Quảng – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam – 2004; tr 13 -15 )
Ban đầu, Đàng Trong chỉ bao gồm 2 trong số 13 trấn của nước Đại Việt là Thuận Hóa và Quảng Nam (11 trấn còn lại do chúa Trịnh cai quản ở Đàng Ngoài).
Cho đến giữa thế kỷ 18, họ Nguyễn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau. Đàng Trong chia làm các dinh, trấn, năm 1744 có 12 dinh (Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu, Chính Dinh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ) và 1 trấn (Hà Tiên). Mỗi dinh cai quản một phủ, dưới phủ có huyện, tổng, xã. Thủ phủ di chuyển qua nhiều nơi và từ 1678 dời về Phú Xuân.
Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương và Phú Xuân được gọi là Đô thành, nhưng vẫn dùng niên hiệu vua Lê và không đặt quốc hiệu riêng.
Năm 1803, vua Gia Long lập dinh Quảng Nam gồm 2 phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông; phủ Điện Bàn gồm 2 huyện Diên Khánh và Hòa vang. Đến thời điểm này thì địa giới của Quảng Nam ngày nay mới hình thành rõ rệt.
Dưới thời Gia Long, căn cứ vào các sổ địa bộ của dinh Quảng Nam lập vào năm 1814 – 1815, thì dinh chia thành 2 phủ: Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn gồm huyện Hòa Vang và châu Diên Khánh (huyện Hòa Vang lúc ấy bao gồm cả đất Đại Lộc ngày nay).
Năm 1827 vua Minh Mạng đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam, năm 1832 trấn Quảng Nam đổi thành tỉnh Quảng Nam. Huyện Diên Phước có 10 tổng (226 xã, thôn, châu, phường, ấp); năm 1922 nhập với huyện Tân Phúc có tên huyện Diên Phúc thuộc phủ Điện Bàn (phủ Điện Bàn năm 1936 gồm thêm huyện Duy Xuyên, đời Đồng Khánh gồm thêm Đại Lộc).
Năm 1836 đặt thêm huyện Quế Sơn (gồm một tổng của huyện Lễ Dương và phần lớn là đất Duy Xuyên).
* Theo Đồng Khánh địa dư chí, tỉnh Quảng Nam thống hạt 2 phủ, 6 huyện (44 tổng, 1.054 xã, thôn, châu, phường, ấp, giáp, tộc).
+ Phủ Điện Bàn:
- Kiêm lý: huyện Diên Phước
- Thống hạt: 2 huyện Duy Xuyên và Hòa Vang.
Năm Thành Thái thứ 11 (năm 1899) trích đất phủ Điện Bàn lập huyện Đại Lộc. Vào tháng Đinh Sửu, tức tháng Chạp, năm Kỷ Hợi, nhằm tháng 1 năm 1900 (Thành Thái thứ 11), nhà vua đã ra chỉ dụ tách một vùng đất phía Tây của huyện Hòa Vang để thành lập huyện Đại Lộc(1) với 5 tổng: Đại An (gồm Phú Thứ Thượng tổng An Mỹ, huyện Quế Sơn), Mỹ Hòa, Đức Hòa, An Phước (tổng Phước Tường và An Châu) và Phú Khê.
(1) Triều Nguyễn lập ra huyện Đại Lộc vào tháng 1 năm 1900, trong Dụ thành lập (viết bằng chữ Hán) thì Đại Lộc có nghĩa là Chân núi lớn.
Quảng Nam trong các năm 1898 – 1900 có 2 phủ Điện Bàn và Thăng Hoa có 3 huyện Lễ Dương, Quế Sơn và Hà Đông (năm 1814 đổi là phủ Thăng Bình).
+ Năm 1906 huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ, sau đó đổi tên thành phủ Tam Kỳ.
Năm 1910 phủ Điện Bàn: 9 tổng, 168 xã; huyện Duy Xuyên: 9 tổng, 159 xã; huyện Đại Lộc: 5 tổng, 110 xã; huyện Quế Sơn: 4 tổng, 100 xã.
Năm 1914 huyện Duy Xuyên: 9 tổng, 176 làng; huyện Đại Lộc: 6 tổng, 113 làng. Sáu tổng là: tổng Đại An (34 xã, châu, thôn), tổng Đức Thượng (13 xã, thôn), tổng Hòa Đạo (9 xã), tổng Đức Hạ (15 xã, thôn), tổng Phú Khê (7 xã, phường, thôn) và tổng Mỹ Hòa (25 xã, châu, thôn); huyện Hòa Vang có 4 tổng, 90 làng ... (Theo tài liệu của Bulletin des Amis du Vieux Hue (Tạp chí của những người bạn cố đô Huế) , xuất bản năm 1919).
Năm 1916, triều Duy Tân lập huyện Tiên Phước gồm một số xã của Thăng Bình và tây Tam Kỳ.
Vào 1922 (triều Khải Định:1916 - 1925), trong lúc tu chỉnh điền bộ huyện Đại Lộc không còn thuộc phủ Điện Bàn kiêm lý nữa, trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Huyện lỵ đóng tại Phú Hương xã Đại Quang. Từ năm 1947 đến nay, huyện lỵ dời về Thị trấn Ái Nghĩa (cũng vào năm 1922 phủ không bao gồm các huyện; phủ, huyện tổ chức thành đơn vị hành chính).
Dưới thời thuộc Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến khoảng 1930 thì tỉnh Quảng Nam bao gồm các đơn vị hành chính (đơn vị lớn thì gọi phủ, đơn vị nhỏ thì gọi huyện); Huyện Tiên Phước, huyện Quế Sơn, huyện Đại Lộc, phủ Tam Kỳ, phủ Thăng Bình, phủ Duy Xuyên, huyện Điện Bàn, huyện Hòa Vang.
Sau Cách mạng Tháng 8.1945, Quảng Nam và Đà Nẵng là hai đơn vị hành chính độc lập; cũng thời gian này theo chủ trương xóa tổng thành lập các đơn vị hành chính xã. Huyện Đại Lộc bao gồm 6 xã: Mỹ Hòa, Đại An, Đức Hạ, Đức Thượng, Hòa Đạo và Phú Khê.
Tháng 9 năm 1946 sáp nhập các tổng Phú Mỹ, An Lễ và Quảng Hòa của huyện Duy Xuyên vào huyện Đại Lộc. Hợp xã lần hai, huyện Đại Lộc gồm 10 xã: Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Hiệp, Đại Đồng, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Hòa, Đại Chánh, Đại Minh và Đại Phong; năm 1947 có thêm xã Duy Mỹ (Đại Cường). Thời gian này, cùng với chủ trương chung làng Phương Trạch cũng được sáp nhập với làng Trung Lệ để lập nên làng Phương Trung thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho đến bây giờ.
Năm 1952, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau hiệp định Geneve (1954), miền Nam bị đặt dưới sự cai trị của chính quyền Sài Gòn. Năm 1962 vùng đất này bị chia thành hai đơn vị hành chính: Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Tín.
Tỉnh Quảng Nam gồm các quận (giai đoạn này phủ, huyện đều gọi là quận, còn các làng thì gọi chung là xã (1)): Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục, Hiếu Đức, Hiếu Nhơn, Thường Đức, Quế Sơn, Hòa Vang và thị xã Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Tín gồm các quận: Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Hậu Đức, Lý Tín và Tam Kỳ.
Trong thời gian trên Ủy ban kháng chiến Quảng Nam – Đà Nẵng chia tỉnh làm hai đơn vị hành chính: Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà.
 (*)Xã Lộc Mỹ (Đại Quang) thuộc quận Đại Lộc, bao gồm các thôn: Hòa Mỹ, Mỹ Thuận, Đại Phú, Song Bình, Mỹ An, Trường An, Tam Hòa, Hòa Thạch, Đông Lâm và Phương Trung.
Sau khi thống nhất đất nước (1975), chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Thành phố Đà Nẵng thành lập tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng với Đà Nẵng là tỉnh lị. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gồm Thành phố Đà Nẵng và các huyện Hoà Vang, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Ðại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My.
Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc Hội, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị thành chính độc lập gồm Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam mới có 14 huyện gồm Giằng  (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang), Đại Lộc(*), Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn (nay là Quế Sơn và Nông Sơn), Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My (nay là Bắc Trà My và Nam Trà My, Núi Thànhvà 2 thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố – tỉnh lị Tam Kỳ và huyện Phú Ninh) và thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An).
(*) Huyện Đại Lộc bao gồm các xã: Đại Quang, Đại Tân, Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong, Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Nghĩa, Đại An, Đại Hiệp, Đại Hòa và Thị trấn Ái Nghĩa.
Xã Đại Quang bao gồm các thôn: Song Bình, Mỹ An, Trường An, Tam Hòa, Hòa Thạch, Đông Lâm, Phước Lộc, Phú Hương và Phương Trung. Năm 1999, cơn Đại hồng thủy đã cuốn xé, sạt lỡ đặt làng vào trạng thái nguy cơ vùng đất không ổn định cho người dân. Thực hiện Chỉ thị của nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu làng Phương Trung khẩn trương đưa dân ra khỏi vùng nguy cơ và làng mới được xác lập (tại vùng đất ba Xứ: Bàu Bần, Cây Chiêm Chiêm và Mục Sách - Gò Thắm thuộc thôn Phước Lộc). Hiện nay, làng Phương Trung đời sống người dân được cải thiện, ổn định và phát triển; làng được Đảng, Chính phủ, Mặt trận và chính quyền địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt cả về vật chất lẫn tinh thần.
Khái quát lịch sử Quảng Nam xưa và nay nhằm giúp chúng ta có điều kiện nhìn nhận lại bước đi của tiền nhân trong sự hình thành và phát triển xứ Quảng trong đó có sự đồng hành Họ Nguyễn Văn làng Bào Bàng - Đông (châu) xưa và Phương Trung hôm nay..
                                     
Tài liệu tham khảo:
- Phủ Biên tạp lục Tập I – Tủ sách Cổ văn 1972
- Quảng Nam qua các thời đại, Quyển thượng – Phan Du, NXB Thời Đại – 1974
- Địa chí Đại Lộc – NXB Đà Nẵng – 1992
- Lịch sử Đảng bộ xã Đại Phong, VBĐM – 1993
- Đất nước Việt Nam qua các Đời – Đào Duy Anh, NXB Thuận Hóa - 1995
- Khoa Bảng Quảng Nam dưới thời Nhà Nguyễn (1601 - 1919) – Phạm Ngô Minh –
  Trương Duy Hy, NXB Đà Nẵng – 1995
- Lịch sử Đảng bộ xã Đại Quang, NXB Đà Nẵng – 2000
- Việt sử Xứ Đàng Trong – Phan Khoang, NXB Văn học – 2000
- Quảng Nam Đất nước & Nhân vật – Nguyễn Quang Thắng, NXBVHTT – 2001
- Danh xưng Quảng Nam - Kỷ yếu Hội thảo, Sở VHTTQN, NIB Quảng Nam – 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét