Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Thời gian xây dựng, trùng tu tôn tạo Từ Đường, mộ Tổ


PHẦN THỨ NHẤT: TRÙNG TU, TÔN TẠO TỪ ĐƯỜNG
I. Xây dựng từ đường năm 1990 (Canh Ngọ)
        Từ nhận thức phải có một ngôi từ đường trang nghiêm để thờ cúng, phụng sự ông bà tổ tiên một cách tập trung và nề nếp, nhằm tỏ lòng tri ân của con cháu đối với các bậc tiền bối, đồng thời cũng là cơ sở để giáo dục truyền thống gia tộc cho con cháu của tộc Nguyễn Văn - Một Tộc Nguyễn Văn có Tổ tiên đến khai hoang, lập ấp cùng hai họ Trần, Lê, lập nên xã hiệu Bào Bàng Đông (châu) (ngày nay là thôn Phương Trung) từ trên hai trăm năm trước (1785) và đã có tên đứng bộ tiền hiền Trần - Lê - Nguyễn ở đình làng Phương Trung.

Năm 1990 (Canh Ngọ), toàn thể gia tộc đã tập trung xây dựng từ đường. Ngôi từ đường là nhà cấp 4, xây gạch, khung gỗ, có diện tích 5m x 8m, mặt tiền ngôi nhà nhìn theo hướng Đông - Nam, tọa lạc trên đất vườn nhà ông bà Nguyễn Văn Cần (tức xã Diệp), thuộc thôn Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
II. Trùng tu, tôn tạo từ đường lần thứ nhất năm 2003 (Qúi Mùi)
        Năm 2003, để chống xuống cấp, gia tộc đã trùng tu bước một như sửa chữa bàn thờ, xây dựng bình phong, tu sửa lại các bức hoành phi, câu đối ... để chuẩn bị cho việc Đại hội gia tộc lần thứ nhất năm 2004.
III. Trùng tu, tôn tạo từ đường lần thứ hai năm 2007 (Đinh Hợi)
        Năm 2007, gia tộc đã trùng  tu, tôn tạo từ đường lần thứ hai với các hạng mục như: xây dựng mới nhà tiền đường 40 mét vuông, xây dựng mới nhà trù 60 mét vuông, xây dựng mới bờ rào, cổng ngỏ 90 mét dài. Đây là lần trùng tu, tôn tạo từ đường có qui mô lớn; công trình hoàn thành rất khang trang và bề thế, thỏa mãn lòng trông đợi của toàn gia tộc.
IV. Xây dựng lại từ đường mới năm 2009 (Kỷ Sửu)
        Cơn lũ lớn trên sông Vu Gia vào tháng 9 năm 2009 đã làm cuốn trôi ngôi đình làng Phương Trung trên hai trăm năm tuổi và đã lở sát tường từ đường của tộc. Trước nguy cơ ngôi từ đường có thể lở xuống sông, con cháu gia tộc đã tháo dở và di chuyển vào làng Phương Trung mới, sau đó tiếp tục xây dựng lại. Từ đường mới được xây dựng trên gò Mục Sách - xứ đất cây Chiêm Chiêm thuộc thôn Phước Lộc, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (còn gọi là làng Phương Trung mới) với diện tích: nhà thờ 6,6m x 5m (33 mét vuông); nhà tiền đường 6m x 9,6m (57,6 mét vuông); nhà trù 4 mx 7m (28 mét vuông); cùng với xây dựng bình phong, tường rào, cổng ngõ. Từ đường mới tọa lạc trên gò đất cao thoáng đãng, mặt xây về hướng Nam hơi lệch Đông; là một công trình thờ tự thiêng liêng, khang trang và hoàn mỹ!

PHẦN THỨ HAI: TRÙNG TU, TÔN TẠO MỘ TỔ

I. Di dời mồ mả năm 1986 (Bính Dần) và năm 1999 (Kỷ Mão)
        Theo gia phả, các cụ tổ tiên tộc Nguyễn Văn làng Phương Trung định cư trước tiên tại làng Đông Phúc - Tam Châu và làng Phước Yên thuộc tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên (nay là thôn Mỹ Hảo và thôn Phú Phước, xã Đại Phong, Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), sau mới định cư làng Bào Bàng Đông (châu) (nay là làng Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Do đó mồ mã của ông bà từ đời Thỉ tổ trở xuống các chi phái  đều được chôn cất ở vùng đất nầy. Địa điểm, thời gian chôn cất, cải táng của từng ngôi mộ đã thể hiện ở phần phả hệ! Ở đây chỉ hệ thống lại các dấu ấn thời gian để con cháu dễ hình dung ra dòng chảy của lịch sử gia tộc!
        Năm 1986 (Bính Dần), do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước lúc bấy giờ, tất cả các tộc họ đều phải di dời mồ mã về các vùng đất không thể sản xuất cây lương thực như đất gò, đồi, ... tộc Nguyễn Văn làng Phương Trung cũng không nằm ngoài ngoại lệ! Toàn tộc đã di dời mồ mã của gia tộc từ các xứ đất nêu trên về cải táng tại xứ đất núi Cấm thuộc thôn Phước Lộc, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đây là một cuộc di dời mồ mã có qui mô lớn, bao gồm hàng trăm ngôi mộ; trong đó có các vị mộ từ đời Thỉ tổ, Cao Cao Cao tổ, Cao Cao tổ. Con cháu toàn gia tộc đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của tiền nhân, cẩn trọng và nghiêm túc hoàn thành tốt việc di dời và cải táng mồ mã của gia tộc. Năm 1999 (Kỷ Sửu) toàn tộc tổ chức di đời và cải táng mộ của gia tộc từ Phương Trung về xứ đất Hố Long, thôn Phước Lộc, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
II. Trùng tu, tôn tạo mộ tổ lần thứ nhất năm 2005 (Ất Dậu)
Năm 2005 (Ất Dậu); một năm sau Đại hội gia tộc lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2004 - 2008), Hội đồng gia tộc tổ chức cho toàn tộc nâng cấp 3 vị mộ tổ đã cải táng năm 1986:
+ Vị mộ của Đức Bà Thỉ tổ tỷ Trần Thị Kiểu
        + Vị mộ của Ông Cao Cao Cao tổ khảo Nguyễn Văn Hòa
        + Vị mộ của Bà Cao Cao Cao tổ tỷ Nguyễn Thị Công
        Các vị mộ tổ nằm theo hướng Bắc - Nam lệch Đông, phía sau tựa vào núi, phía trước nhìn ra đồng ruộng, có dòng sông chảy qua trước mặt theo hướng từ Tây sang Đông và  được trùng tu, nâng cấp theo lối kiến trúc lăng mộ khu vực Huế; mộ xây hình khối chữ nhật, trên 4 mái lợp ngói lưu ly màu vàng, chân mái lợp ngói trích thủy màu xanh, trên nóc mái bố trí rồng chầu nhật nguyệt cẩn mảnh vở gốm sứ, trước mộ Đức Bà Thỉ tổ tỷ có bình phong chắn gió, tạo cảnh quang khuôn viên khu mộ tổ thông thoáng, khang trang và linh thiêng!
III. Trùng tu, tôn tạo mộ tổ lần thứ hai năm 2011 (Tân Mão)
        Thực hiện chương trình công tác của Hội đồng gia tộc nhiệm kỳ II (2008 - 2012), năm 2011 Hội đồng gia tộc đã tổ chức cho toàn tộc nâng cấp 4 vị mộ tổ:
- Phái nhất:
+ Vị mộ của Ông Cao Cao tổ khảo Nguyễn Văn Sử
+ Vị mộ của Bà Cao Cao tổ tỷ Trần Thị Yến
        - Phái nhì:
+ Vị mộ của Ông Cao Cao tổ khảo Nguyễn Văn Huyên
+ Vị mộ của Bà Cao Cao tổ tỷ Nguyễn Thị Định
        Cùng 19 vị mộ vô danh, tùng tự, phối tự của tộc.
        Trong đó 4 vị mộ tổ trùng tu, nâng cấp theo kiến trúc của 3 vị mộ tổ đã nâng cấp năm 2005, nhưng kích thước có nhỏ hơn và trên nóc mái bố tri long phụng chầu nhật nguyệt. Ngoài ra còn một vị mộ của Bà Cao Cao tổ tỷ Phạm Thị Phước (kế thất của Ông Cao Cao tổ khảo Nguyễn Văn Huyên) chưa trùng tu, nâng cấp trong đợt nầy.
        Lời kết: Từ ngày vị Đức Bà Thỉ tổ định cư và khởi nghiệp tại làng Đông Phúc - Tam Châu, rồi làng Bào Bàng Đông (châu) đến nay đã trên 200 năm. Con cháu của gia tộc đông đúc, sinh sống ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước; kể cả định cư ở nước ngoài; có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của đất nước; khẳng định gia tộc Nguyễn Văn làng Phương Trung là một thành viên tích cực của cộng đồng xã hội Việt Nam. Có nhiều người thành đạt, cũng có nhiều người còn khó khăn trong cuộc sống; nhưng dầu ở đâu con cháu cũng hướng về cội nguồn; nơi quê cha đất tổ; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong khi bĩ cực. Điều đó một lần nữa được khẳng định qua việc trùng tu nâng cấp nhà thờ, mộ tổ, mộ tộc. Tất cả con cháu đều hướng tâm linh về với tổ tiên. Tùy theo khả năng của mình, đã tích cực đóng góp công của để cùng toàn gia tộc phụng sự tổ tiên. Chúng ta rất tự hào về điều đó và chúng ta tin tưởng rằng gia tộc của chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn và phát triển!
Lược sử về các mốc thời gian xây dựng, trùng tu, tôn tạo từ đường, mộ tổ, mộ tộc cũng chỉ mong muốn tiếp lửa cho con cháu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của gia tộc, xứng đáng là hậu duệ của tổ tiên và cộng đồng xã hội!
       
   Phương Trung, ngày 10  tháng 3 năm Nhâm Thìn - 2012
TM/HỘI ĐỒNG GIA TỘC
Phó Ban NGUYỄN VĂN THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét